ĐẶC ĐIỂM VÀ YẾU TỐ LIÊN QUAN BIẾN CHỨNG SỚM TỤ MÁU, BẦM TÍM Ổ Ở MÁY Ở NGƯỜI BỆNH CÓ CHỈ ĐỊNH THỦ THUẬT CẤY MÁY TẠO NHỊP VĨNH VIỄN
Trần Song Giang 1, Nguyễn Thị Hiền 2, Chu Dũng Sĩ 1,3
1Viện Tim mạch Việt Nam, Bệnh viện Bạch Mai
2Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình
3Bộ môn Nội, Học viện Y Dược Học CT Việt Nam
Email: sichu.bvbachmai@gmail.com, ĐT: 0906086168
TÓM TẮT
Mục tiêu: Nghiên cứu (NC) đặc điểm và yếu tố liên quan biến chứng sớm tụ máu, bầm tím ổ máy có chỉ định thủ thuật cấy máy tạo nhịp vĩnh viễn (MTNVV) tại Viện Tim mạch Việt Nam. Phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu 294 người bệnh được can thiệp cấy máy tạo nhịp tim vĩnh viễn tại Viện Tim mạch Việt Nam trong thời gian từ ngày 01 tháng 08 năm 2019 đến ngày 30 tháng 03 năm 2020. Nghiên cứu mô tả cắt ngang, tiến cứu, thu thập các thông tin trước và sau cấy máy tạo nhịp vĩnh viễn (MTNVV). Kết quả: nghiên cứu 294 NB cấy máy tạo nhịp vĩnh viễn có 36 biến chứng sớm của thủ thuật chiếm tỷ lệ 12,24%. Tụ máu, bầm tím ổ máy là biến chứng hay gặp nhất: 15 ca (5,10%), trong đó 10 ca tụ máu, bầm tím mức độ nhẹ, 5 ca tụ máu mức độ vừa và nặng. 3 BN tràn máu màng tim (1,02%), cả 3 ca này đều tràn máu với số lượng nhiều. Tỷ lệ biến chứng tụ máu tăng có ý nghĩa thống kê ở nhóm NB dùng thuốc chống đông đường uống với p< 0,001; OR=6,8 95%CI(2,3-19,9), chống kết tập tiểu cầu kép với p< 0,001; OR=6,5 95%CI(2,0-20,8), duy trì thuốc chống đông và/ hoặc thuốc chống kết tập tiểu cầu khi cấy máy với p<0,05,OR=6,1; 95%CI(2,1-17,9), chỉ số INR với p< 0,05; OR=5,2 95%CI(1,0-27,0) và tiền sử phẫu thuật tim với p<0,05, OR= 4,7, 95%CI(1,2-18,7).
Từ khóa: Biến chứng, chảy máu, bầm tím ổ máy, cấy máy tạo nhịp vĩnh viễn
- ĐẶT VẤN ĐỀ
ĐẶT VẤN ĐỀ
Những ứng dụng của máy tạo nhịp (MTN) tim mang lại là rất lớn giúp giảm tỷ lệ tử vong và nâng cao chất lượng cuộc sống ở những người bệnh (NB) có chỉ định cấy máy [1], [2], [3], sự ra tăng các chỉ định lâm sàng làm tỷ lệ cấy ghép MTN tăng lên nhanh chóng nhưng những chỉ định kinh điển là suy nút xoang và block nhĩ thất vẫn là phổ biến nhất [1]. Trong những năm gần đây, ước tính mỗi năm có khoảng 1.2 triệu MTN được cấy ghép trên thế giới [1]. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích đó NB cũng phải đối mặt với những biến chứng (BC) của thủ thuật đó là những BC liên quan đến thủ thuật cấy máy như tràn khí, tràn máu màng phổi, bầm tím,tụ máu, nhiễm trùng, thủng tim…hay BC do MTN như loạn nhịp tim, hội chứng MTN, bật điện cực, block đường thoát [4], [5], [6]… có thể ảnh hưởng đến tính mạng của NB. Nhiều NC cho thấy BC chảy máu vẫn là BC sớm dễ gặp nhất.
Tại Việt Nam đã có nhiều những nghiên cứu MTN [2], [3] nhưng vẫn ít NC tập trung những vấn đề BC sớm chảy máu cũng như những yếu tố liên quan. Trong những năm gần đây trung bình tại Viện Tim mạch Quốc Gia Việt nam (VTMQGVN) khoảng 600 máy được cẫy mỗi năm nên những vấn để BC sớm chảy máu, tụ máu vị trí ổ MTN ở NB được cấy máy tạo nhịp vĩnh viễn (MTNVV) tại Viện Tim mạch Việt Nam ngày được quan tâm [2]. Vì vậy chúng tôi tiến hành NC này với mục tiêu chính là Tìm hiểu những biến chứng sớm tụ máu, bầm tím ổ máy tạo nhịp ở người bệnh được cấy máy tạo nhịp vĩnh viễn tại Viện Tim mạch Quốc gia Việt Nam.
- ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.1. Đối tượng nghiên cứu
Bao gồm 294 NB được can thiệp cấy MTNVV tại Viện Tim mạch Việt Nam trong thời gian từ tháng 01 tháng 08 năm 2019 đến ngày 30 tháng 03 năm 2020.
Tiêu chuẩn lựa chọn: NB được cấy MTNVV với một trong các loại máy: MTN 1 buồng thất. MTN 2 buồng (Nhĩ – Thất). Máy khử rung ICD (Implantable Cardioverter Defibrillator). Máy tái đồng bộ CRT (Cardiac Resynchronisation Therapy), đồng ý và tự nguyện tham gia vào NC.
Tiêu chuẩn loại trừ: NB có cấy MTN nhưng mắc kèm theo bệnh lý nặng hoặc tử vong do các nguyên nhân khác. Cấy MTN tại thượng tâm mạc, máy tạo nhịp không dây.
2.2. Phương pháp nghiên cứu
Thiết kế nghiên cứu: NC mô tả cắt ngang, tiến cứu.
Các biến số trong NC: Thông tin chung của đối tượng NC, thông số trên điện tâm đồ, So sánh trước và sau cấy để tìm ra những rối loạn nhịp tim mới xuất hiện, Thông số trên siêu âm tim trước hoặc sau cấy máy, Xét nghiệm INR, Xét nghiệm Công thức máu: Số lượng Tiểu cầu.
Các biến chứng sớm của thủ thuật
- Tràn máu, tràn dịch màng tim, thủng tim: Có/ Không, mức độ, dựa vào siêu âm Doppler tim do các bác sỹ chuyên khoa sâu thực hiện, xác định khoảng trống siêu âm trên siêu âm tim. Tràn máu màng tim được chẩn đoán khi siêu âm có khoảng trống siêu âm và kết quả chọc dịch màng ngoài tim là máu không đông.
- Tụ máu, bầm tím ổ máy: Có/ Không, mức độ [5]. Mức độ nhẹ: Bầm tím hoặc tràn dịch nhẹ trong ổ máy, không sưng hoặc đau ổ máy; Mức độ vừa: Tràn dịch lớn trong ổ máy gây sưng hoặc gây suy yếu chức năng hoặc đau vùng ổ máy; Mức độ nặng: Bất kể KMT yêu cầu phải mở lại hoặc kéo dài thời gian nằm viện hoặc phải ngừng thuốc chống đông đường uống hoặc phải đảo ngược chống đông
2.3. Xử lý và phân tích số liệu
Số liệu được nhập vào máy tính bằng phần mềm và phân tích trên phần mềm thống kê SPSS 21.0 bằng các thuật toán thống kê. Test khi bình phương được sử dụng để so sánh các tỷ lệ, test t-student được sử dụng trong so sánh các trung bình. Sử dụng tỷ suất chênh OR để tìm mối liên quan giữa các yếu tố với biến chứng của thủ thuật, độ tin cậy 95%.
- KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ BÀN LUẬN
3.1. Đặc điểm chung và biến chứng sớm của thủ thuật cấy máy tạo nhịp vĩnh viễn
Qua NC 294 NB được cấy MTNVV, ICD, CRT tại Viện tim mạch Quốc Gia Việt Nam chúng tôi thu được những kết quả sau: Tỷ lệ NB nữ là 56,4 % và nam là 43,6 %, sự khác biệt với p <0,05. Tuổi trung bình của nhóm NC là 65,5 ± 16,1, thấp nhất là 17, cao nhất là 93; Nhóm cao tuổi (68%) chiếm tỷ lệ cao hơn nhóm trẻ tuổi (32%) với p < 0,05. BMI: Chỉ số chiều cao và cân nặng của nhóm đối tượng NC trong giới hạn bình thường chiếm 83%. Trong số BN cấy máy, tỷ lệ INR < 1,5 là chiếm đa số với (96,6%), chỉ có 3,4% có INR ≥ 1,5 khi cấy máy, Số lượng tiểu cầu khi cấy máy trung bình là 226± 69,5 G/l, Nhóm có tiền sử phẫu thuật tim chiếm 17/294 (57,8%).
Bảng 3.1: Đặc điểm chung của các đối tượng nghiên cứu
Đặc điểm việc sử dụng thuốc chống đông, tiền sử phẫu thuật tim | |||
STT | Đặc điểm | Tần suất (n = 294) | Tỷ lệ % |
1 | Tiền sử phẫu thuật | 17 | 5,8 |
2 | Tỷ lệ dùng các loại thuốc chống đông, chống kết tập tiểu cầu | ||
Loại thuốc | Tần suất (n = 294) | Tỷ lệ % | |
2.1 | Kháng vitamin K, chống đông đường uống mới (New Oral Anticoagulants: NOAC) | 39 | 13,3 |
2.2 | Chống kết tập tiểu cầu (KTTC) kép | 25 | 8,5 |
2.3 | Chống KTTC đơn | 27 | 9,3 |
2.4 | Heparin trọng lượng phân tử thấp (Low Molecular Weight Heparin: LMWH) | 16 | 5.5 |
3 | Tỷ lệ duy trì thuốc chống đông, chống kết tập tiểu cầu trong các nhóm dùng thuốc khi làm thủ thuật cấy máy | ||
Duy trì thuốc | Tần suất (n=39) | Tỷ lệ% | |
3.1 | NOAC, kháng Vitamin K (n=39) | 13 | 33,3 |
3.2 | Kháng tiểu cầu kép (n=25) | 16 | 64,0 |
3.3 | Kháng tiểu cầu đơn (n=27) | 17 | 62,9 |
3.4 | LMWH (n=16) | 3 | 18,8 |
Kết quả Bảng 3.1 cho thấy có tỷ lệ dùng thuốc kháng đông đường uống là 13,3%, kháng tiểu cầu kép là 8,5%, kháng tiểu cầu đơn là 9,3%, heparin trong lượng phân tử thấp là 5,5%. Và khi dùng các thuốc này có 33,3% NB dùng thuốc kháng đông đường uống, 62,9% NB dùng thuốc kháng tiểu cầu đơn, 64% NB dùng thuốc kháng tiểu cầu kép, 18,8% NB dùng heparin trọng lượng phân tử thấp tiếp tục được duy trì.
Bảng 3.2: Đặc điểm biến chứng sớm tụ máu, bầm tím tại ổ máy của thủ thuật cấy máu tạo nhịp vĩnh viễn
Đặc điểm | Tần suất (n=15) | Tỷ lệ % | |
Phân loại | Nhẹ | 10 | 66,7 |
Vừa, nặng | 5 | 33,3 | |
Dùng thuốc | Chống đông đường uống | 7 | 46,6 |
Chống KTTC đơn | 3 | 20,0 | |
Chống KTTC kép | 5 | 33,3 | |
LMWH và chống đông đường uống | 2 | 13,3 | |
Xử trí | Theo dõi | 8 | 53,3 |
Chọc hút khối máu tụ (KMT) | 1 | 6,6 | |
Thay MTN | 1 | 6,6 | |
Chỉnh thuốc chống đông, chống KTTC | 6 | 40 | |
Truyền các chế phẩm máu | 1 | 6,6 | |
Theo dõi | 8 | 53,3 |
Tổng số BC trong NC của chúng tôi là 12,24%. Tỷ lệ NB có biến BC tụ máu, bầm tím ổ máy cao nhất là 15/294 trường hợp chiếm 5,1%. Trong 15 NB có khối máu tụ, tỷ lệ KMT có ý nghĩa lâm sàng 5 NB (vừa, nặng) chiếm 33,3%, 10 NB có tụ máu, bầm tím mức độ nhẹ(66,7%). Số BN dùng thuốc kháng đông đường uống chiếm (46,6%), NB dùng thuốc kháng tiểu cầu kép là 33,3%.
Kết quả NC (Bảng 3.1 và Bảng 3.2) chỉ ra tỷ lệ NB có BC tụ máu, bầm tím ổ máy cao nhất trong số những BC xảy ra chiếm 15/294 (5,1%). Trong NC này chúng tôi sử dụng định nghĩa theo Francesco và cộng sự [5] hoặc cách phân chia theo lâm sàng chia thành tụ máu có ý nghĩa lâm sàng và tụ máu không có ý nghĩa lâm sàng. Dựa trên cách phân loại này trong NC của mình chúng tôi ghi nhận được 5 NB có tụ máu ổ máy mức độ 2, và 3 cũng là 5 NB có KMT có ý nghĩa lâm sàng và 10 BN có tụ máu nhỏ, chiếm tỷ lệ 5,1%.
Cách xử trí tụ máu như sau: Trong nhóm 10 BN tụ máu độ 1 có 2 NB chỉnh thuốc kháng tiểu cầu từ kháng tiểu cầu kép sang kháng tiểu cầu đơn hoặc chuyển từ Ticagrelor sang Clopidogrel, 8 NB chỉ cần theo dõi. Nhóm tụ máu lớn có 5 NB trong đó 1 NB được chọc hút khối máu tụ (KMT), 1 NB cần phải chỉnh thuốc kháng đông và thay MTN mới do có thêm BC nhiễm trùng phải thay máy, có 1 NB có suy giảm chức năng gan do xơ gan Child B được dùng các thuốc hỗ trợ chức năng đông máu của gan như truyền thêm huyết tương tươi, khối hồng cầu và khối tiểu cầu, 2 NB cần chỉnh thuốc kháng đông đường uống, 2 NB này đều là NB có van hai lá cơ học nên được giảm liều thuốc kháng Vitamin K. Tất cả BN được theo dõi qua thời gian 2 tháng đều ổn định với các phương pháp điều trị như trên. Cách xử lý này cũng phù hợp với những hướng dẫn về xử lý KMT, tuy nhiên việc chọc hút KMT cần phải hết sức thận trọng vì sẽ làm tăng thêm nguy cơ nhiễm trùng.
NC của Wiegend, Ahmed, Tompkins, Tolosana, Li, Ghanbari, Airaksinen, Birnier sử dụng chiến lược dùng thuốc kháng đông khác nhau và định nghĩa KMT khác nhau nên có tỷ lệ KMT cũng khác nhau nhưng đều chỉ ra rằng bắc cầu Heparin thì tỷ lệ KMT tăng hơn nhiều so với không dùng chiến lược bắc cầu, tỷ lệ có thể tới (16- 20%) [5]. Trong NC của chúng tôi tỷ lệ KMT lớn 5 NB (1,7%), tỷ lệ này cũng phù hợp với 1 số các NC trên về tỷ lệ tụ máu lớn. Và tỷ lệ này cũng thấp hơn tỷ lệ tụ máu lớn trong thử nghiệm Simple (2,2%) [7].
Bảng 3.3. Mối liên quan giữa một số thông số nghiên cứu với biến chứng tụ máu, bầm tím ổ máy bằng phân tích hồi quy đa biến logistic
Thông số | B | S.E. | Wald | p | Exp(B) |
Giới | -0,385 | 0,576 | 0,448 | 0,503 | 0,680 |
BMI | -0,129 | 0,106 | 1,494 | 0,222 | 0,879 |
INR | 0,445 | 0,788 | 0,319 | 0,572 | 1,560 |
Tiểu cầu | 0,010 | 0,004 | 4,636 | 0,031 | 1,010 |
Kháng vitamin K | 1.919 | 0,629 | 9,296 | 0,002 | 6,815 |
Constant | 0,500 | 2,893 | 0,030 | 0,863 | 1,648 |
Nhận xét: Có mối liên quan giữa số lượng tiểu cầu và thuốc kháng vitamin K với biến chứng tụ máu, bầm tím ổ máy của thủ thuật khi cấy MTNVV với p = 0,031 (< 0,05) và p = 0,002 (< 0,01).
Trong phân tích hồi quy đa biến logictic (Bảng 3.3) thấy dùng thuốc kháng Vitamin K và số lượng tiểu cầu ảnh hưởng có ý nghia thống kê đến BC tụ máu ổ máy. Dùng thuốc kháng vitamin K và số lượng tiểu cầu càng giảm, nguy cơ xuất hiện BC này càng cao
Giới tính: NC trên hơn 80 ngàn NB ở Australia năm 2010-2015 được cấy ghép thiết bị thấy tỷ lệ BC cấp tính nói chung và BC tụ máu nói riêng ở phụ nữ cao hơn ở nam giới có ý nghĩa thống kê [8]. Trong NC này chúng tôi cũng ghi nhận tỷ lệ tụ máu ở nữ là 5,5%, cao hơn trong giới nam là 4,7%, tuy nhiên chưa thấy sự khác biệt giữa 2 giới, có thể do số lượng NB tụ máu trong NC này chưa đủ lớn để tạo ra sự khác biệt.
Béo phì: NC trên 965 NB cấy ghép MTN thấy tỷ lệ tụ máu giảm có ý nghĩa ở những NB béo phì có BMI > 30kg/m2 so với nhóm NB có BMI ≤ 30 [9]. Chúng tôi cũng chưa nhận thấy sự liên quan này do BN béo phì trong NC của chúng tôi thấp, và không có NB nào có BMI trên 30 kg/m2
Bảng 3.4. Mối liên quan của việc sử dụng chống đông, tiền sử phẫu thuật tim với BC tụ máu, bầm tím ổ máy
Yếu tố | Có BC
(n= 15) |
Không BC (n=279) | p; OR (95%CI) | |
Tiền sử phẫu thuật tim | Có | 3(17,6) | 14(82,4) | p<0,05, OR= 4,7, 95%CI(1,2-18,7) |
không | 12(4,3) | 265(95,7) | ||
LMWH | Có | 2 (12,5) | 14 (87,5) | > 0,05 |
Không | 13(4,7) | 265 (95,3) | ||
Kháng vitamin K+ NOAC | Có | 7 (17,9) | 32 (82,1) | p< 0,001; OR=6,8 95%CI(2,3-19,9) |
Không | 8 (3,2) | 247 (96,8) | ||
Chống KTTC kép | Có | 5 (20,0) | 20 (80,0) | p< 0,001; OR=6,5 95%CI(2,0-20,8) |
Không | 10 (3,7) | 259 (96,3) | ||
ChốngKTTC cầu đơn | Có | 3 (11,1) | 24 (89,9) | > 0,05 |
Không | 12 (4,5) | 255 (95,5) | ||
Duy trì thuốc chống đông, chống KTTC | Có | 8(17,8) | 37(82,2) | p<0,05,OR=6,1
95%CI(2,1-17,9) |
Không | 7(2,8) | 242(97,2) | ||
INR khi cấy máy | ≥ 1,5 | 2 (20,0) | 8 (80,0) | p< 0,05; OR=5,2 95%CI(1,0-27,0) |
< 1,5 | 13 (4,6) | 271 (95,4) |
Tỷ lệ BC tụ máu tăng có ý nghĩa thống kê ở nhóm NB dùng thuốc kháng đông đường uống với p<0,001, OR= 6,8; 95%CI (2,3-19,9), kháng tiểu cầu kép với p< 0,001; OR=6,5; 95%CI (2,0-20,8), tiếp tục duy trì thuốc kháng đông và/hoặc thuốc kháng kết tập tiểu cầu với p<0,05; OR=6,1; 95%CI (2,1-17,9), chỉ số INR khi cấy máy ≥ 1,5 với p< 0,05 OR=5,2; 95%CI (1,0-27,0) và tiền sử phẫu thuật tim với p<0,05, OR= 4,7; 95%CI (1,2-18,7).
Kết quả ở Bảng 3.4 đã cho thấy được các yếu tố làm tăng tỷ lệ BC tụ máu là dùng thuốc kháng đông đường uống, kháng tiểu cầu kép, tiếp tục duy trì thuốc này khi cấy máy, chỉ số INR ≥1,5 khi cấy máy, tiền sử có phẫu thuật tim. Phân tích hồi quy đa biến logistic cho thấy rằng số lượng tiểu cầu và dùng thuốc kháng vitamin K có ảnh hưởng đến biến chứng tụ máu. Trong số các NB dùng heparin trọng lượng phân tử thấp có 3 NB được dùng theo chiến lược bắc cầu, còn hầu hết các NB được dùng đơn độc và không duy trì sau cấy máy. Nên chúng tôi chưa thấy sự liên quan giữa dùng Heparin trọng lượng phân tử thấp và kháng kết tập tiểu cầu đơn với BC.
Kết quả này cũng tương tự với NC của Christine Tompkins hồi cứu trên 1388 NB có các thiết bị cấy ghép thấy rằng dùng kháng tiểu cầu kép và heparin quanh thủ thuật làm tăng đáng kể nguy cơ BC chảy máu tại thời điểm cấy MTN tim hoặc ICD [10]. Tuy nhiên NC này lại chỉ ra rằng không có sự khác biệt giữa nhóm BN tiếp tục dùng Warfarin với INR ≥ 1,5 so với NB được ngừng Warfarin cho đến khi INR về bình thường, NC cũng chỉ ra rằng dùng Aspirin đơn độc chỉ làm tăng ít nguy cơ chảy máu, tuy nhiên không có ý nghĩa thống kê. Và cũng tương tự như thử nghiệm Simple về yếu tố nguy cơ làm tăng tỷ lệ KMT như dùng thuốc chống đông đường uống quanh thủ thuật. cũng theo thử nghiệm này dùng Aspirin đơn độc cũng không làm tăng tỷ lệ tụ máu ổ máy có ý nghĩa thống kê [7].
Một số các NC của nhiều tác giả và thử nghiệm Bruise đã chỉ ra rằng, bắc cầu Heparin là yếu tố mạnh nhất làm tăng nguy cơ KMT, có thể tăng gấp 4 lần (16-20%) [5], [7], tăng gấp 5 lần so với tiếp tục thuốc chống đông, đường uống và dùng chống kết tập tiểu cầu kép cũng làm tăng 5 lần so với không dùng thuốc chống đông, chống kết tập tiểu cầu nào (Phân tích gộp của Michalle L Bernard và cộng sự) [6]. Trong NC của chúng tôi tỷ lệ NB bắc cầu heparin rất thấp (3 NB) nên chưa thấy được sự liên quan này. Chính việc hạn chế tối đa liệu pháp bắc cầu heparin trong NC này cũng góp phần làm giảm tỷ lệ KMT lớn. Và mặc dù có dùng thuốc chống đông đường uống, chỉ có 33,3% NB được duy trì thuốc còn lại NB được trì hoãn thuốc trước và sau cấy máy và vẫn được duy trì INR<1,5. Chỉ có 10 NB (3,4%) trong NC của chúng tôi khi cấy máy có mức INR ≥ 1,5, trong đó 2 NB có BC tụ máu. Đây có thể cũng là yếu tố làm giảm tỷ lệ KMT khi cấy máy.
Qua nghiên cứu 294 BN cấy máy tạo nhịp vĩnh viễn tại Viện tim mạch Quốc gia Việt Nam chúng tôi rút ra kết luận sau:
Các biến chứng sớm của thủ thuật cấy máy tạo nhịp vĩnh viễn: Có 36 biến chứng sớm của thủ thuật chiếm tỷ lệ 12,24%. Tụ máu, bầm tím ổ máy là biến chứng hay gặp nhất: 15 ca (5,10%), trong đó 10 ca tụ máu, bầm tím mức độ nhẹ, 5 ca tụ máu mức độ vừa và nặng. 3 NB tràn máu màng tim (1,02%), cả 3 ca này đều tràn máu với số lượng nhiều.
Một số yếu tố liên quan đến biến chứng sớm của thủ thuật cấy máy: Tỷ lệ biến chứng tụ máu tăng có ý nghĩa thống kê ở nhóm NB dùng thuốc chống đông đường uống với p< 0,001; OR=6,8 95%CI (2,3-19,9), chống kết tập tiểu cầu kép với p< 0,001; OR=6,5 95%CI(2,0-20,8), duy trì thuốc chống đông và/ hoặc thuốc chống kết tập tiểu cầu khi cấy máy với p<0,05,OR=6,1; 95%CI(2,1-17,9), chỉ số INR với p< 0,05; OR=5,2 95%CI(1,0-27,0) và tiền sử phẫu thuật tim với p<0,05, OR= 4,7, 95%CI(1,2-18,7).
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- 1. Mond HG, Proclemer A (2011). The 11th world survey of cardiac pacing and implantable cardioverter-defibrillators: calendar year 2009 – a World Society of Arrhythmia’s project. Pacing and clinical electrophysiology: PACE; 34 (8): 1013-27.
- 2. Phạm Như Hùng, Tạ Tiến Phước, Trần Văn Đồng và cs (2014). Nhìn lại những chỉ đinh kinh điển của máy tạo nhịp tim trên cơ sở những nghiên cứu lâm sàng. Tạp chí Tim mạch học Việt Nam; 65: 99-107.
- 3. Lê Thanh Liêm, Nguyễn Tri Thức, Kiều Ngọc Dũng và cs (2012). Báo cáo ba trường hợp thủng tim do điện cực tạo nhịp tại Khoa nội Tim mạch Bệnh viện Chợ Rẫy. Tạp chí Hội nhịp học thành phố Hồ Chí Minh. 2012.
- 4. Carrión-Camacho M, Marín-León I, Molina-Doñoro J et al (2019). Safety of Permanent Pacemaker Implantation: A Prospective Study. Journal of clinical medicine; 8 (1):
- 5. DES F, Miracapillo G, Cresti A et al. (2015). Pocket Hematoma: A Call for Definition. Pacing and clinical electrophysiology : PACE; 38 (8): 909-13.
- 6. Bernard ML, Shotwell M, Nietert PJ. et al (2012). Meta-analysis of bleeding complications associated with cardiac rhythm device implantation. Circulation: Arrhythmia and Electrophysiology; 5 (3): 468-474.
- 7. Masiero S, Connolly SJ, Birnie D. et al. (2017). Wound haematoma following defibrillator implantation: incidence and predictors in the Shockless Implant Evaluation (SIMPLE) trial. Europace : European pacing, arrhythmias, and cardiac electrophysiology : journal of the working groups on cardiac pacing, arrhythmias, and cardiac cellular electrophysiology of the European Society of Cardiology; 19 (6): 1002-1006.
- 8. Moore K, Ganesan A, Labrosciano C et al. (2019). Sex Differences in Acute Complications of Cardiac Implantable Electronic Devices: Implications for Patient Safety. Journal of the American Heart Association; 8 (2):
- 9. Attanasio P, Lacour P, Ernert A et al. (2017). Cardiac device implantations in obese patients: Success rates and complications. Clinical cardiology; 40 (4): 230-234.
- 10. Tompkins C, Cheng A, Dalal D et al. (2010). Dual antiplatelet therapy and heparin “bridging” significantly increase the risk of bleeding complications after pacemaker or implantable cardioverter-defibrillator device implantation. J Am Coll Cardiol; 55 (21): 2376-82.